Bà bầu nghén cay có sao không? Điều cần biết để thai kỳ an toàn

Trong thai kỳ, nhiều mẹ bầu xuất hiện cảm giác nghén cay, thèm cay và lo lắng không biết có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không. Trên thực tế, nếu ăn đúng cách và hợp lý sẽ không gây hại cho mẹ và bé. Tuy vậy, nếu tiêu thụ nhiều vị cay, mẹ bầu và thai nhi vẫn có nguy cơ gặp phải một số vấn đề về tiêu hoá, tim mạch,… không mong muốn.

Bà bầu ăn cay đúng cách và hợp lý sẽ không gây hại cho mẹ và bé
Bà bầu ăn cay đúng cách và hợp lý sẽ không gây hại cho mẹ và bé

Vì sao bà bầu bị nghén cay?

Do thay đổi nồng độ hormone ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác

Trong giai đoạn đầu mang thai, các hormone beta-hCG (human chorionic gonadotropin), progesterone và estrogen tăng mạnh để hỗ trợ trứng làm tổ và thúc đẩy thai nhi phát triển. Tuy nhiên, chính sự thay đổi này lại tác động đáng kể đến vị giác và khứu giác. Các dây thần kinh cảm nhận mùi và vị trở nên nhạy cảm khiến bà bầu phản ứng mạnh mẽ hơn với mùi vị và vị cay có thể trở nên hấp dẫn hơn đối với bà bầu. 

Ngoài ra, khi vị giác thay đổi, một số người cảm thấy các món ăn trở nên nhạt nhẽo. Điều này kích thích phụ nữ mang thai dần yêu thích các món cay nóng để tạo cảm giác ngon miệng hơn.

Ảnh hưởng từ môi trường xung quanh và cơ chế tự điều hòa thân nhiệt

Yếu tố môi trường, đặc biệt là khí hậu và thói quen ăn uống của những người xung quanh cũng có thể là nguyên nhân khiến bà bầu nghén cay.

Ví dụ, trong điều kiện thời tiết nóng bức hoặc ẩm thấp, nhiều người có xu hướng ăn cay vì tin rằng sẽ giúp cơ thể “giải nhiệt”. Thức ăn cay kích thích quá trình đổ mồ hôi, giúp làm mát và điều hòa nhiệt độ cơ thể. Ở phụ nữ mang thai, thân nhiệt thường cao hơn bình thường do sự thay đổi nội tiết và tăng lưu lượng máu. Vì thế, cảm giác “nóng trong người” có thể khiến chị em vô thức lựa chọn những món cay để giải tỏa khó chịu.

Cảnh báo tình trạng thiếu hụt dưỡng chất và nhu cầu dinh dưỡng tăng cao

Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nhu cầu dinh dưỡng của bà bầu tăng lên nhanh chóng để đáp ứng sự phát triển của thai nhi. Cảm giác thèm ăn cay có thể là “tín hiệu” cảnh báo cơ thể mẹ bầu đang thiếu hụt một số chất dinh dưỡng. Tiêu biểu là các vi chất axit folic, sắt, i-ốt, canxi, kẽm, vitamin nhóm B và chất chống oxy hóa. 

Nghén cay có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Nhiều người cho rằng nghén cay, ăn cay khi mang thai có thể gây hại cho em bé. Tuy nhiên trên thực tế, ăn cay ở mức độ hợp lý, đúng cách và đúng thời điểm không những không gây tổn thương cho thai nhi mà còn mang lại một số lợi ích nhất định cho cả mẹ bầu, cụ thể:

Tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng

Trong một số loại ớt tự nhiên có chứa capsaicin, một hoạt chất sinh học có khả năng kích thích quá trình trao đổi chất, giúp đốt cháy chất béo và tăng hiệu suất tiêu hoá. Hệ tiêu hoá hoạt động hiệu quả, các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm sẽ được chuyển hóa và hấp thu tốt hơn, từ đó đảm bảo nguồn cung dinh dưỡng ổn định cho thai nhi. Tác dụng này đặc biệt có lợi trong giai đoạn thai kỳ khi nhu cầu hấp thu dinh dưỡng của mẹ tăng cao. 

Ngăn ngừa ung thư

Capsaicin cũng được chứng minh có khả năng ức chế các tế bào ung thư phát triển. Thậm chí, chất này còn hỗ trợ tiêu diệt tế bào ung thư mà không làm tổn thương các tế bào khác. 

Tốt cho thị giác của thai nhi

Ớt chứa nhiều vitamin A, C, B6, cùng các chất chống oxy hóa như beta-carotene, lutein, zeaxanthin, lycopene. Đây là những chất có vai trò quan trọng để duy trì thị lực và bảo vệ mắt khỏi tổn thương tế bào, đồng thời có ích cho sự phát triển võng mạc và thần kinh thị giác của thai nhi.

Có thể thấy, vị cay có một số lợi ích nhất định. Song, nếu lạm dụng hoặc ăn sai thời điểm, mẹ bầu có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Một số tác hại phổ biến gồm:

Làm trầm trọng thêm tình trạng ốm nghén

Thức ăn cay có thể kích thích mạnh hệ tiêu hoá và làm tăng mức độ buồn nôn, nôn ói, khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi hơn. Ăn cay trong giai đoạn này có thể gây tiêu chảy, mất nước và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể mẹ bầu.

Gây trào ngược dạ dày – thực quản

Do ảnh hưởng của hormone thai kỳ, nhu động ruột và hoạt động của cơ vòng dạ dày ở bà bầu bị chậm lại, làm tăng nguy cơ trào ngược axit dạ dày. Khi ăn cay, dạ dày càng tiết nhiều axit hơn dẫn đến ợ nóng, ợ chua, đầy bụng và gây khó chịu kéo dài ở vùng thượng vị.

Tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ

Khi mang thai, áp lực từ tử cung lên vùng hậu môn, trực tràng làm tĩnh mạch vùng này dễ bị giãn và sưng. Mẹ bầu ăn cay thường xuyên, capsaicin trong ớt sẽ làm nóng ruột, kích thích niêm mạc hậu môn và khiến bệnh trĩ khởi phát hoặc nặng thêm.

Gây rối loạn tiêu hóa

Thức ăn cay kích thích nhu động ruột, từ đó dẫn đến tiêu chảy, đau bụng, nóng trong người, đặc biệt ở những mẹ bầu có hệ tiêu hóa nhạy cảm. Tình trạng này kéo dài khiến mẹ bầu bị mất nước, mất cân bằng điện giải và gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

Viêm mắt, đau mắt đỏ

Ăn cay nhiều còn làm cơ thể bị nhiệt, gây ra tình trạng xung huyết kết mạc với các biểu hiện như đau mắt đỏ, khô mắt, viêm giác mạc,… 

Có thể thấy, nghén cay và ăn cay ở mức độ vừa phải hoàn toàn không gây hại cho thai nhi, thậm chí còn có một số lợi ích nhất định. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý không nên lạm dụng đồ cay, cần biết lắng nghe cơ thể và có chế độ ăn uống cân bằng. Khi có các dấu hiệu khó chịu như tiêu chảy, trào ngược, nóng rát dạ dày hay ợ hơi nhiều lần, mẹ nên giảm bớt hoặc tránh ăn cay trong một thời gian, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phù hợp.

Bà bầu nghén cay nên ăn gì?

Gừng 

Gừng có vị cay nồng nhẹ, tính ấm, được dùng để chống lạnh bụng, giảm buồn nôn và nôn mửa nên hữu ích cho mẹ bầu nào bị nghén nặng. Gừng còn hỗ trợ cải thiện lưu thông máu, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt. 

Tỏi và hành 

Tỏi và hành đều có vị cay nhẹ và chứa nhiều hợp chất sulfur tự nhiên như allicin (trong tỏi) và quercetin (trong hành). Những hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm mạnh, tốt để ngăn ngừa cảm cúm, viêm họng và nhiễm trùng nhẹ cho mẹ trong giai đoạn thai kỳ. 

Ớt chuông 

Ớt chuông ngọt nhẹ, dễ ăn, chứa nhiều vitamin A, C, E cùng các chất chống oxy hóa mạnh như beta-carotene, lycopene. Đây là nhóm dưỡng chất tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm và bảo vệ làn da của mẹ bầu, đồng thời hỗ trợ phát triển võng mạc và thần kinh thị giác của thai nhi. Bên cạnh đó, ớt chuông còn giúp kích thích tiêu hóa, giảm cảm giác buồn nôn cho mẹ bầu.

Ớt chuông có vị ngọt nhẹ, dễ ăn, giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm 
Ớt chuông có vị ngọt nhẹ, dễ ăn, giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm

Mù tạt và tiêu trắng

Mù tạt và tiêu trắng đều mang vị cay ấm, thơm, có tác dụng kích thích vị giác. Đặc biệt, mù tạt còn tăng tiết dịch vị giúp quá trình tiêu hoá và hấp thụ dinh dưỡng diễn ra hiệu quả. Tiêu trắng với lượng nhỏ cũng hỗ trợ cải thiện lưu thông máu, giảm lạnh tay chân, một tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai do thay đổi nội tiết tố.

Kim chi 

Kim chi là món ăn cay lên men giàu probiotics có lợi cho hệ tiêu hóa và miễn dịch của mẹ bầu. Các loại rau củ trong kim chi như cải thảo, củ cải, cà rốt cũng chứa nhiều chất xơ, vitamin A, C và khoáng chất cần thiết. Tuy nhiên, mẹ bầu nên chọn kim chi tự làm tại nhà, giảm lượng muối, hạn chế chất bảo quản và không quá chua để an toàn cho sức khỏe.

Sốt cà ri 

Sốt cà ri được chế biến từ các loại gia vị tốt cho sức khỏe như nghệ, gừng, tỏi, hạt thì là, ớt khô tạo nên vị cay nhẹ ấm nóng nhưng dễ chịu. Cà ri không chỉ kích thích vị giác, cải thiện tiêu hóa mà còn cung cấp các chất chống viêm và hỗ trợ chống oxy hóa. Nghệ trong cà ri còn được biết đến với khả năng bảo vệ gan, hỗ trợ hệ miễn dịch và tốt cho sự phát triển não bộ của thai nhi.

Mẹ bầu nghén cay nên tránh ăn gì?

Ớt quá cay

Ớt hiểm, ớt habanero hay các loại ớt siêu cay là những “cái tên” mẹ bầu nên tránh. Các loại ớt này chứa hàm lượng capsaicin cao gây nóng rát đường tiêu hóa, kích thích mạnh niêm mạc dạ dày và ruột. Với cơ thể nhạy cảm của phụ nữ mang thai, tiêu thụ ớt quá cay có thể tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản, gây ợ nóng, đau rát ngực. Khi ăn quá cay cũng làm kích thích nhu động ruột quá mức, dẫn đến tiêu chảy, đau bụng, mất nước. Đặc biệt, chị em nào bị trĩ sẽ càng làm bệnh nặng thêm.

Gia vị cay nhân tạo, tương ớt công nghiệp

Tương ớt và các loại gia vị cay công nghiệp có thể chứa chất bảo quản, phẩm màu, chất tạo cay nhân tạo ảnh hưởng không tốt cho mẹ và bé. Tác hại điển hình bao gồm: Gây nóng trong người, lên mụn nhọt, nhiệt miệng, đau họng; Kích thích dạ dày và gan thận do các chất phụ gia hóa học tích tụ lâu ngày; Tăng nguy cơ viêm nhiễm; Dễ bị viêm da hoặc rối loạn tiêu hóa.

Món ăn cay quá mức vào buổi tối

Ăn cay vào buổi tối, nhất là trước khi đi ngủ kích thích axit dạ dày tiết nhiều gây ợ chua, trào ngược, nóng rát cổ họng cho bà bầu. Bên cạnh đó, chị em cũng sẽ cảm thấy khó tiêu, đầy bụng và khó ngủ.

Thực phẩm cay kèm dầu mỡ

Các món cay nhiều dầu mỡ như mì tôm, lẩu cay,… làm rối loạn quá trình tiêu hoá gây đầy bụng, chướng hơi, đặc biệt với mẹ bầu có hệ tiêu hóa yếu. Chất béo kết hợp với vị cay khiến dạ dày phải hoạt động quá tải, tăng gánh nặng lên gan, mật và dễ làm mẹ bầu mệt mỏi, khó ngủ. Mặt khác, đồ cay nhiều dầu mỡ còn ảnh hưởng đến huyết áp, đường huyết và ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi.

Các món cay nhiều dầu mỡ gây đầy bụng, chướng hơi, tăng gánh nặng lên gan, mật
Các món cay nhiều dầu mỡ gây đầy bụng, chướng hơi, tăng gánh nặng lên gan, mật

Cách ăn cay an toàn cho mẹ bầu

  • Không nên ăn cay thường xuyên và liên tục trong nhiều bữa: Việc lặp lại thói quen ăn cay quá nhiều khiến dạ dày dễ bị kích ứng, lâu dài có thể dẫn đến viêm loét hoặc trào ngược. Chị em nên kết hợp thực phẩm thanh đạm như rau củ quả hoặc thịt luộc/hấp, cháo, canh rong biển,… để làm dịu hệ tiêu hóa và cân bằng vị giác.
  • Hạn chế ăn cay trong 3 tháng đầu thai kỳ: Đó là vì giai đoạn này mẹ hay bị ốm nghén, ăn cay có thể làm tăng cảm giác buồn nôn, nôn ói và thậm chí gây tiêu chảy, ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng cho thai nhi.
  • Uống đủ nước mỗi ngày: Gia vị cay gây mất nước và sinh nhiệt trong cơ thể, nếu không bù nước đầy đủ, mẹ bầu có thể bị nóng trong, táo bón và mệt mỏi. Hãy đảm bảo ngày uống từ 2,5 – 3 lít nước.
  • Chọn nguyên liệu và gia vị cay đạt chất lượng: Nguyên liệu không đảm bảo dễ chứa chất độc hại hoặc nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ. Mẹ bầu nên ưu tiên thực phẩm/gia vị cay tươi, sạch và có nguồn gốc rõ ràng.
  • Chỉ nên dùng ít loại gia vị cay trong mỗi bữa: Kết hợp nhiều loại gia vị cay (ớt, tiêu, mù tạt…) trong cùng bữa ăn sẽ làm tăng mức độ kích ứng dạ dày và đường ruột, dễ gây rối loạn tiêu hóa.
  • Kết hợp với thực phẩm có tính mát: Rau xanh, trái cây mát giúp làm dịu niêm mạc dạ dày, trung hòa nhiệt sinh ra từ thức ăn cay, hạn chế tình trạng nóng trong và nổi mụn.
  • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và lợi khuẩn sau khi ăn cay: Chất xơ và probiotic (sữa chua, dưa chua,…) hỗ trợ tiêu hóa để đường ruột khỏe mạnh, phòng ngừa táo bón, một tình trạng hay gặp ở bà bầu.

Hiện tượng bà bầu nghén cay là một phần thay đổi tự nhiên của cơ thể trong thai kỳ và không đáng lo ngại nếu được kiểm soát hợp lý. Ăn cay ở mức độ vừa phải không chỉ giúp kích thích vị giác mà còn hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, việc lạm dụng đồ cay có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho cả mẹ và bé. Để đảm bảo thai kỳ an toàn, mẹ bầu cần ăn uống cân bằng, lắng nghe cơ thể và lựa chọn thực phẩm cay lành mạnh, phù hợp với thể trạng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Messenger Chat Zalo Gọi ngay