Ở người cao tuổi, hệ tiêu hóa bắt đầu suy giảm hiệu quả hoạt động, thị lực giảm, răng yếu, mũi kém nhạy, tuyến nước bọt tiết ít, khiến người cao tuổi cảm thấy ăn không ngon miệng, làm ảnh hưởng đến nhu cầu dinh dưỡng của tuổi già.
Bên cạnh đó, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, máu nhiễm mỡ… rất cao. Vì thế, ngoài việc duy trì cơ thể khỏe mạnh là một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học sẽ giúp nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ đáng kể.
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn lưu ý các nguyên tắc ăn uống để người cao tuổi luôn khỏe mạnh.
Đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng
Hệ tiêu hóa của người cao tuổi đã bắt đầu kém, khả năng tổng hợp của cơ thể cũng giảm do đó dễ xảy ra tình trạng thiếu dinh dưỡng, vì vậy cần chọn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa, đảm bảo đủ chất đạm nhưng không quá nặng nề đối với đường tiêu hóa.
Thịt khi tiêu hóa thường tạo ra chất có sunfua ở đại tràng, đây là những chất độc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Do đó, người cao tuổi nên hạn chế ăn thịt, tăng cường ăn cá vì cá có nhiều chất đạm quý, dễ tiêu, ít sinh khí sunfua hơn thịt lại có nhiều axit béo không no rất cần đối với người cao tuổi.
Các món ăn nên chế biến theo cách hấp hoặc luộc để đảm bảo hàm lượng các vitamin và khoáng chất, tránh các đồ xào, rán chứa nhiều mỡ.
Ưu tiên các loại rau và hoa quả
Rau xanh và hoa quả là những loại thực phẩm không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng của người cao tuổi. Hàm lượng chất xơ cao trong các loại rau xanh giúp hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng hơn. Ngoài ra, các loại vitamin, khoáng chất và các axit hữu cơ có tác dụng kích thích sự thèm ăn và duy trì sự cân bằng các chuyển hóa trong cơ thể.
Giảm áp lực cho dạ dày về đêm
Quá trình tiêu hóa của người cao tuổi thường diễn ra dài hơn do sự bài tiết dịch vị trong dạ dày giảm đi, việc hấp thụ các chất như canxi, sắt cũng kém hơn. Để không bị đầy hơi gây ra hiện tượng khó ngủ về đêm, nên ăn tối trước 19h hoặc nên ăn ít đi, có những bữa lót dạ nhẹ nhanh trước khi đi ngủ khoảng 2 tiếng.
Đồ ăn cần có độ mềm
Do khả năng tiêu hoá và hấp thụ thức ăn kém nên bữa ăn của người cao tuổi cần có độ mềm thích hợp. Thức ăn nên chế biến theo phương pháp hấp, luộc, hầm hoặc kho. Việc lựa chọn thực phẩm cũng cần chú ý tránh chọn các thực phẩm có kết cấu thô hoặc cứng. Các loại thịt mềm, thịt cá, sữa hoặc trứng là thức ăn tốt nhất cho người cao tuổi.
Nên ăn nhạt
Ăn mặn có thể gây nên nhiều loại bệnh nguy hiểm như tim mạch, huyết áp… vì thế người cao tuổi cần ăn nhạt. Các nhà khoa học khuyên người cao tuổi nên ăn không quá 6g muối/ngày.
Thực đơn lý tưởng cho người cao tuổi hàng ngày là:
- 150-250g ngũ cốc và tinh bột
- 100g thịt nạc, cá hoặc tôm
- 50g đậu và cá chế phẩm từ đậu
- 300g rau xanh
- 250g hoa quả tươi
- 250ml sữa
- 30r dầu ăn, dưới 6g muối, 25g đường
- 2.000ml nước.
Hạn chế chất đường
Người cao tuổi phải hạn chế ăn đường, hạn chế uống nước ngọt và ăn bánh kẹo. Chỉ nên dùng chất đường có nguồn gốc là chất bột như cơm, bánh mì, bún, phở… vì các chất đường này được tiêu hóa, hấp thu từ từ, dự trữ ở gan và cơ, chỉ giải phóng ra từ từ tạo năng lượng theo nhu cầu hoạt động của cơ thể, nên không làm tăng đường huyết đột ngột.
Hạn chế chất béo
Người cao tuổi nếu bị thừa chất béo sẽ dễ bị thừa mỡ trong máu, cholesterol trong máu tăng gây nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, thiếu máu não, có thể bị xuất huyết não, liệt nửa người… Hạn chế mỡ trong khẩu phần ăn, giảm mỡ động vật, ăn dầu thực vật, bớt ăn chất đường là điều nên làm đối với người cao tuổi.
Tóm lại, để nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi bằng chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo cho người cao tuổi là tìm được nguồn vui trong bữa ăn hàng ngày. Nguồn vui do bản thân người cao tuổi biết cách giữ gìn ăn uống điều độ hay còn tạo ra từ sự chăm sóc, tình cảm của người thân trong gia đình quan tâm đến vấn đề ăn uống, chế biến các món ăn mà người cao tuổi yêu thích.