Hàm lượng dinh dưỡng trong rau muống có lợi gì cho sức khỏe?

Là thực phẩm “bình dân”, giá rẻ nhưng hàm lượng dinh dưỡng trong rau muống lại phong phú với nhiều dưỡng chất thiết yếu như vitamin, khoáng chất,…. Vì vậy, tác dụng của rau muống luôn được đánh giá cao trong việc nâng cao sức khỏe tim mạch và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.  

Rau muống chứa hàm lượng dinh dưỡng cao tốt cho sức khỏe
Rau muống chứa hàm lượng dinh dưỡng cao tốt cho sức khỏe

Thành phần dinh dưỡng của rau muống

Rau muống là loại rau thân thảo thuộc họ bìm bìm phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Rau có thân rỗng, dày, có rễ mắt. Lá rau muống có hình ba cạnh, phần đầu nhọn, đôi khi hẹp dài. 

Loại rau này sở hữu hàm lượng dinh dưỡng cao, cụ thể dưới đây là bảng thành phần chi tiết trong 100g rau muống tươi:

Dinh dưỡng Hàm lượng
Năng lượng 18 kcal
Chất béo 0.2g
Natri 113mg 
Carbohydrate 3.1g 
Chất xơ 2.1g 
Protein 2.6g
Vitamin C 55mg
Canxi 77mg
Chất sắt 1.7mg 
Vitamin B6 0.1mg
Magie 71mg 

Công dụng của rau muống đối với sức khỏe

Nhờ hàm lượng dưỡng chất dồi dào và đa dạng, rau muống mang lại nhiều ích cho sức khoẻ như:

Tốt cho hệ tiêu hóa

Rau muống có hàm lượng chất xơ cao và nhiều nước hỗ trợ quá trình tiêu hoá diễn ra trơn tru, hiệu quả. Với khả năng nhuận tràng, các món ăn từ rau muống hoặc nước luộc rau còn làm giảm tình trạng táo bón và đầy bụng. 

Giảm cholesterol, tăng cường sức khỏe hệ tim mạch

Rau muống cung cấp hàm lượng vitamin A, C và beta-carotene cao. Đây là những hợp chất có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, làm giảm cholesterol toàn phần và ngăn ngừa sự tích tụ mỡ trong thành mạch máu. 

Bên cạnh đó, hàm lượng magie có trong rau cũng giúp điều hòa huyết áp và tăng cường chức năng tim mạch. Vì vậy, ăn rau muống là lựa chọn lý tưởng để giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.

Tốt cho mắt và da

Rau muống được biết đến là thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, có khả năng bảo vệ tế bào cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do gây ra tình trạng lão hóa da. Nước ép rau muống cũng là một lựa chọn lý tưởng để thải độc cơ thể để da dẻ hồng hào và tươi sáng hơn. Các thành phần như vitamin A, C, cùng các hợp chất chống oxy hóa như carotenoid và lutein nuôi dưỡng làn da từ sâu bên trong, giúp da trở nên mịn màng và thêm săn chắc.

Rau muống bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do mang lại làn da mịn màng, săn chắc hơn
Rau muống bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do mang lại làn da mịn màng, săn chắc hơn

Bên cạnh đó, vitamin A và lutein có ở rau muống còn giúp bảo vệ thị lực, ngăn ngừa đục thủy tinh thể và giữ cho đôi mắt luôn sáng khỏe.

Tăng cường miễn dịch

Hàm lượng vitamin C cao trong rau muống đóng vai trò như một “lá chắn” tự nhiên tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Vì vậy, bổ sung loại rau này trong thực đơn hàng ngày có thể hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, phòng tránh các bệnh phổ biến như cảm lạnh, cảm cúm,…

Tốt cho người thiếu máu

Rau muống chứa nhiều sắt, một khoáng chất thiết yếu trong quá trình hình thành hồng cầu. Đối với người bị thiếu máu, đặc biệt là phụ nữ mang thai, ăn rau muống có thể góp phần cải thiện lượng máu trong cơ thể, làm giảm tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt thường gặp do thiếu máu gây ra.

Duy trì độ chắc khỏe xương và giảm nguy cơ loãng xương 

Ăn rau muống cung cấp canxi, thành phần chính cấu tạo nên xương và răng, từ đó duy trì mật độ xương, ngăn ngừa loãng xương, đặc biệt ở người lớn tuổi và phụ nữ sau mãn kinh. Mặt khác, vitamin K cũng là một vi chất quan trọng giúp đưa canxi vào xương đúng cách và hạn chế lắng đọng canxi ở các mô mềm. Nhờ sự kết hợp hài hòa giữa các khoáng chất và vitamin, rau muống góp phần nuôi dưỡng hệ xương chắc khỏe từ sâu bên trong.

Giải độc, thanh nhiệt cơ thể

Theo Y học cổ truyền và các nghiên cứu khoa học, rau muống có vị ngọt, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, hỗ trợ lợi tiểu và thông tiện. Rau cũng hỗ trợ cơ thể đào thải độc tố tối ưu, đặc biệt hiệu quả trong các trường hợp ngộ độc do nấm hoặc sắn.

Hỗ trợ giảm cân

Rau muống giàu vitamin, khoáng chất và đặc biệt là chất xơ trong khi lại hoàn toàn không chứa chất béo. Chính vì vậy, đây sẽ là gợi ý lý tưởng cho thực đơn của người giảm cân, muốn kiểm soát cân nặng ổn định. 

Các món ăn chế biến từ rau muống

Với vị dễ ăn nên rau muống trở thành thực phẩm yêu thích của nhiều người. Các món “khoái khẩu” làm từ loại rau này có thể kể đến như:

Rau muống xào tỏi

  • Nguyên liệu: Rau muống sơ chế sạch, tỏi, dầu ăn
  • Cách chế biến: Làm nóng chảo và cho dầu ăn vào, phi thơm tỏi. Cho rau vào xào chín, nêm gia vị vừa ăn là hoàn tất.

Rau muống ngâm chua ngọt

  • Nguyên liệu: Rau muống đã sơ chế bỏ lá và cắn thành đoạn 3cm, giấm ăn, đường phèn, muối, ớt, tỏi
  • Cách chế biến: Cho giấm, đường và muối vào nồi đun đến khi tan hoàn toàn và để nguội. Rau muống cho vào nồi nước muối sôi trần qua 1 phút vớt ra, để nguội rồi cho vào hủ đựng thực phẩm cùng tỏi, ớt. Cuối cùng, đổ nước giấm vào và đậy nắp, để ở nơi thoáng mát hoặc ngăn mát tủ lạnh khoảng 3 ngày là ăn được. 

Nộm rau muống

  • Nguyên liệu: Rau muống chẻ nhỏ, gia vị, ớt, hành phi, lạc rang, thịt ba chỉ, tôm hoặc thịt bò.
  • Cách chế biến: Chẻ nhỏ thân rau muống, cho vào ngâm nước muối rồi vớt ra để ráo. Cho rau vào luộc chín tới và vớt ra. Cho nước mắm, tỏi ớt, thịt cùng rau vào trộn đều. Chờ rau ngấm gia vị cho ra đĩa, rắc thêm lạc rang, hành phi là có món nộm thanh mát ngon miệng.
Cho nước mắm, tỏi ớt, thịt cùng rau vào trộn đều  là có món nộm thanh mát ngon miệng
Cho nước mắm, tỏi ớt, thịt cùng rau vào trộn đều  là có món nộm thanh mát ngon miệng

Lưu ý khi sử dụng rau muống

Để tận dụng tối đa lợi ích và hạn chế những tác dụng phụ, khi ăn rau muống bạn cần lưu ý một số điểm quan trọng sau:

Lưu ý khi chế biến

Rau muống có thể chứa một số loại ký sinh trùng, tiêu biểu là sán lá ruột. Vì vậy cần chế biến kỹ để tiêu diệt những tác nhân gây bệnh này. Trước khi ăn, người dùng nên rửa rau sạch sẽ và ngâm trong nước muối loãng hoặc dung dịch rửa rau khoảng 30 phút để đảm bảo an toàn.

Liều lượng rau muống hợp lý

Nên ăn với lượng vừa phải, không quá 300g rau muống mỗi ngày để tránh tác dụng phụ không mong muốn như đầy bụng, khó tiêu,…

Những người không nên hoặc hạn chế ăn rau muống

  • Người đang có vết thương hở: Rau muống khiến vết thương lâu lành và hình thành sẹo lồi gây mất thẩm mỹ.
  • Người đang sử dụng thuốc điều trị bệnh hoặc thuốc Đông y bồi bổ cơ thể: Rau có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, khiến quá trình hồi phục kéo dài hơn.
  • Người thường xuyên bị đau nhức xương khớp: Các dưỡng chất trong rau muống dễ khiến cơn đau tăng lên, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và mệt mỏi.
  • Người thuộc nhóm bệnh viêm khớp, sỏi thận, bệnh gout: Hạn chế ăn rau muống để không làm tình trạng bệnh nặng thêm và khó chữa.

Với hàm lượng dinh dưỡng trong rau muống phong phú, loại rau này thực sự là gợi ý tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên, rau muống không thể thay thế hoàn toàn thuốc trong việc điều trị các bệnh lý cụ thể. Do đó, nếu muốn điều trị bệnh bạn vẫn nên sử dụng thuốc điều trị chuyên dụng để cải thiện hiệu quả tình trạng sức khỏe của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Messenger Chat Zalo Gọi ngay